Reading.....
Home > Tin tức - Sự kiện > Lưu ý khi sắp xếp nguyện vọng để tránh lỡ ngành yêu thích

Lưu ý khi sắp xếp nguyện vọng để tránh lỡ ngành yêu thích

Thời gian chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi là lúc thích hợp để các thí sinh cân nhắc cũng như tính toán điền nguyện vọng đại học sao cho hợp lý, “chắc suất”.

Với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra sớm hơn mọi năm, thời gian biết điểm cũng sẽ đẩy lên sớm hơn. Vì thế, lúc này, các thí sinh nắm chắc cách thức đăng ký nguyện vọng, nhớ kỹ các mốc thời gian và tính toán để sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng sao cho hợp lý, nắm chắc khả năng “giành suất” vào đại học.

Nắm chắc quy định và các mốc thời gian quan trọng

Theo lịch tuyển sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, thời gian từ ngày 3/7 đến hết 6/7, bộ mở hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung để thí sinh thực hành đăng ký nguyện vọng xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, nộp lệ phí dịch vụ tuyển sinh… Sau thời gian thí sinh thực hành đăng ký nháp, toàn bộ dữ liệu sẽ được xóa.

Sau thời gian này, cổng đăng ký nguyện vọng https://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn sẽ được mở chính thức từ 10/7 đến 17h ngày 30/7, tất cả thí sinh chính thức thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một trong những mốc thời gian quan trọng, có thể giúp các thí sinh có chắc chắn trong quá trình đăng ký nguyện vọng là vào 8h ngày 18/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương đồng loạt công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2023.

Dựa trên điểm thi THPT cũng như các kết quả mà thí sinh đã biết của những phương thức xét tuyển sớm (xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực…), thí sinh có thể cân nhắc về lựa chọn điền nguyện vọng của bản thân.

Điểm lưu ý dành cho các thí sinh đã biết kết quả của các phương thức xét tuyển sớm là phải tiếp tục đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gồm cả các ngành đã đạt điểm trúng tuyển và các ngành đăng ký xét điểm thi THPT) để được xử lý theo quy trình toàn quốc của bộ, từ đó mới có kết quả trúng tuyển cuối cùng.

Nhiều thầy cô cũng như các chuyên gia giáo dục cũng nhấn mạnh với thí sinh chọn nguyện vọng ưu tiên. Khi lọc ảo, thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất nên người đăng ký cần sắp xếp thứ tự phù hợp với năng lực, kết quả thi cử cũng mong muốn của bản thân.

Về hướng dẫn khi đăng ký, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có sự thay đổi khác với các năm trước để tránh nhầm lẫn, sai sót cho thí sinh trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của bộ, thí sinh chỉ đăng ký theo mã tuyển sinh (mã nhóm ngành, ngành hoặc chương trình) và không phải chọn phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển. Thí sinh lựa chọn căn cứ để xét tuyển, gồm: Thứ tự nguyện vọng, mã trường, tên trường, mã tuyển sinh muốn đăng ký xét tuyển.

Cũng chính vì thay đổi này, bộ đã dành cho thí sinh khoảng thời gian đăng ký nháp để dễ dàng và quen thuộc khi đăng ký thật sự.

Sau khi cổng đăng ký nguyện vọng chính thức đóng vào ngày 30/7, thí sinh sẽ có một tuần tiếp theo để nộp lệ phí xét tuyển. Theo đó, từ ngày 31/7 đến ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến cho tất cả nguyện vọng mình đăng ký. Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển, hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng.

Tính toán thứ tự, nguyện vọng ưu tiên

Nhiều chuyên gia giáo dục đưa ra lời khuyên cho các thí sinh trước khi bắt tay vào việc điều chỉnh, sắp xếp nguyện vọng. Điều quan trọng cần làm là định vị lại bản thân xem mình có năng lực, sở trường, đam mê, thích hợp với ngành nghề, công việc cụ thể nào để đưa ra quyết định.

Bên cạnh đó, ngoài việc khám phá năng lực, sở trường, đam mê của bản thân, các thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ về yêu cầu cần thiết đối với ngành cũng như cơ hội nghề nghiệp mà bản thân có thể tận dụng khi ra trường.

Các thầy cô cũng nhấn mạnh việc định vị được bản thân và có tìm hiểu về ngành học muốn theo đuổi sẽ là nguyên tắc hàng đầu giúp thí sinh có dữ kiện để đưa ra quyết định chọn nguyện vọng.

Khi đã xác định được ngành học phù hợp với nhu cầu của bản thân, thí sinh sẽ cần cân nhắc mức điểm “sẽ trúng tuyển” của các trường để đối chiếu với điểm của mình, từ đó điều chỉnh nguyện vọng phù hợp.

Chưa kể, các thí sinh nên phân biệt điểm nhận hồ sơ xét tuyển với điểm trúng tuyển. Nếu điểm thi bằng hoặc cao hơn khoảng 1-2 điểm so với điểm chuẩn năm trước, điểm đó sẽ tiệm cận đến phạm vi an toàn hơn. Các bạn cũng nên cân nhắc và tránh bị nhầm lẫn với điểm xét tuyển.

Đây là lời khuyên mà các chuyên gia tuyển sinh dành cho thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Theo quy chế mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký. Tuy nhiên, khi lọc ảo, các thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất. Vì thế, đây cũng là điểm quan trọng mà các bạn cần cân nhắc.

Chưa kể, dù trúng tuyển theo phương thức nào, thí sinh cũng học cùng một hệ đào tạo. Để “chắc suất” đại học, đảm bảo cơ hội học được ngành học mong muốn và phù hợp, các thí sinh phải thận trọng khi sắp xếp nguyện vọng ưu tiên.

Vì thế, các thí sinh đã nhận kết quả tuyển sinh từ những phương thức khác như xét học bạ THPT, đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển… cũng cần cân nhắc nhiều yếu tố khi sắp xếp nguyện vọng như sự phù hợp của ngành học, điều kiện của trường, cơ sở vật chất, học bổng, cơ hội du học…

Điển hình như ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF), đây là ngôi trường nổi tiếng với thế mạnh đào tạo đa kỹ năng, có các chuyên ngành dẫn đầu xu hướng thị trường lao động như Quản trị kinh doanh, Khoa học dữ liệu, Tâm lý học, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Công nghệ thông tin…

Bên cạnh tiên phong đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất giúp sinh viên trang bị kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, UEF còn thu hút nhiều sinh viên theo học vì thiết kế chương trình học tập song ngữ đa dạng, giúp sinh viên có thể trau dồi ngoại ngữ lẫn tìm kiếm cơ hội du học, làm việc tại nước ngoài.

Theo Zing

 

Hình ảnh hoạt động của Trường Cao đẳng Y Hà Nội

Đơn vị hợp tác

Top