Reading.....
Home > Học sinh - Sinh viên > Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Lịch sử là môn thi tốt nghiệp bắt buộc vào năm 2025

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Lịch sử là môn thi tốt nghiệp bắt buộc vào năm 2025

(Dân trí) – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp của học sinh chắc chắn sẽ có 4 môn học bắt buộc là: toán, văn, lịch sử, ngoại ngữ.

Chiều 18/2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đến thăm và làm việc với Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu về việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018.
Tại chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp của học sinh chắc chắn sẽ có 4 môn học bắt buộc là: toán, văn, lịch sử, ngoại ngữ. Ngoài ra, các môn học tự chọn cũng đang được Bộ GD&ĐT cân nhắc đưa vào kỳ thi tốt nghiệp sao cho phù hợp, đảm bảo việc tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học.


Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đến thăm và làm việc với Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu về việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới chiều 18/2 (Ảnh: T.T)

Trước đó, các giáo viên và các lãnh đạo ngành giáo dục đã trao đổi thẳng thắn về quá trình thực hiện CTGDPT mới. Những điểm thuận lợi và khó khăn trong quá trình giảng dạy thực tiễn được nhà trường và giáo viên nêu lên, đại diện Bộ GD&ĐT ghi nhận và giải đáp phần nào.
Giáo viên mong mỏi có định hướng về kỳ thi cuối cấp theo chương trình mới
Trong buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường liên cấp Nguyễn Siêu – Nguyễn Thị Minh Thúy chỉ ra rằng, nhà trường có nhiều thuận lợi để thực hiện CTGDPT mới, trong đó nổi bật là kinh nghiệm trong giảng dạy chương trình tiên tiến cấp quốc tế, trùng hợp với quan điểm giáo dục của chương trình mới.
Đồng thời, ngôi trường này cũng đã trải qua thử nghiệm mô hình trường học VNEN nên đã “có đà” để tiếp cận CTGDPT 2018. Bên cạnh đó là lợi thế về cơ sở vật chất khang trang, hiện đại đáp ứng được yêu cầu của chương trình quốc tế.
Tuy nhiên, cô Minh Thúy cho rằng, việc khó khăn nhất với nhà trường và các trường nói chung khi thực hiện CTGDPT mới là việc học sinh trải qua thời kỳ online, bị ảnh hưởng nhiều tới chất lượng dạy và học. Tiếp đó là vấn đề tư duy của phụ huynh. Do ấn tượng của cha mẹ học sinh về các khối A-B-C-D đã rất sâu đậm nên trở thành rào cản khi nhà trường định hướng phụ huynh lựa chọn tổ hợp học tập cho con.
Cô giáo Tô Lan Hương (tổ Văn, Trường Nguyễn Siêu) chia sẻ rằng với CTGDPT 2018, cô và các đồng nghiệp tốn nhiều thời gian hơn cho soạn giáo án môn Văn dù số trang sách ít hơn. Do chương trình học yêu cầu nhiều về thực hành, nâng cao kỹ năng của học sinh hơn là lý thuyết nên người giáo viên vất vả hơn trong việc truyền tải kiến thức.
Trong quá trình thực hiện giảng dạy chương trình mới, cô Hương – người có kinh nghiệm giảng dạy 20 năm, và các đồng nghiệp mạnh dạn thử nghiệm nhiều sự đổi mới theo lối “làm tới đâu vỡ tới đó, có làm mới biết được”.
Thay mặt các giáo viên trong tổ bộ môn, cô Lan Hương tha thiết đề nghị rằng: “Bộ GD&ĐT cần sớm có định hướng về kỳ thi “đầu ra” của học sinh lớp 9 và 12 để giáo viên đứng lớp tự tin hơn về cách mình làm đã đúng chưa, ổn chưa”.


Các giáo viên nêu lên ý kiến về thực tiễn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại buổi gặp mặt với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (Ảnh: T.T).

Bổ sung ý kiến của cô Hương, Hiệu trưởng nhà trường – cô Nguyễn Thị Minh Thúy cũng chia sẻ: “Cha mẹ học sinh rất lo lắng về vấn đề thi cử của các con học CTGDPT mới. Nhiều phụ huynh con mới lớp 1 đã đến gặp giáo viên hỏi sau này con thi thế nào, học như thế này thì thi có được không? Kính mong Bộ GD&ĐT sớm có văn bản chỉ đạo về kỳ thi cuối cấp đối với các em học sinh này để nhà trường có định hướng đúng trong dạy học”.
Thầy Tuấn (giáo viên dạy môn Vật lý, Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên) trình bày rằng, quá trình dạy thực hành khiến các thầy cô vất vả vì có nhiều vấn đề lặt vặt phát sinh như: học sinh đưa ra rất nhiều thắc mắc bên ngoài giáo án dạy học, hỏng hóc rất nhiều dụng cụ trong thực hành…
Thầy Tuấn thẳng thắn: “Tôi cảm giác giáo viên chưa hiểu chương trình mới, chưa nói đến thực hiện. Ví dụ như chương trình cũ thì có nhiều lý thuyết nhưng chương trình mới lược bỏ nhiều. Đến khi học qua thực hành, nhiều khái niệm học sinh chưa biết nên phải đi từ thực tế mới đến khái niệm.
Do vậy, tôi cho rằng cần phải làm cho giáo viên hiểu chương trình trước rồi mới giảng dạy được”.
Thầy Tuấn cũng bảy tỏ rằng, rất cần có định hướng về kỳ thi đánh giá cuối cấp để giáo viên có phương hướng dạy học đúng đắn, giảm bớt khó khăn.
Năm 2025, học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp
Trả lời băn khoăn của các giáo viên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nói: “Năm 2025, học sinh học CTGDPT mới sẽ bước vào kỳ thi cuối cấp. Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch mời các chuyên gia để nghiên cứu ra đề thi đáp ứng CTGDPT mới theo lộ trình thực hiện chương trình. Đến năm 2027, chúng ta sẽ có những em đã học chương trình mới 6 năm và đến năm 2032 có lứa học sinh học đủ 12 năm với chương trình này, do vậy đề thi sẽ được thiết kế sao cho phù hợp”.


Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trả lời về định hướng kỳ thi tốt nghiệp của học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ông cho biết năm 2025, môn lịch sử là môn thi tốt nghiệp bắt buộc (Ảnh: T.T)

Theo Thứ trưởng, các kỳ thi đánh giá của Bộ GD&ĐT sẽ đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá trên cơ sở giảm áp lực, giảm tốn kém, nhưng phải đảm bảo chất lượng và phản ánh đúng năng lực học sinh để xét tốt nghiệp và tuyển sinh số môn thi.
Cũng tại chương trình này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao tinh thần tích cực, chủ động của tập thể giáo viên Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu trong việc thực hiện CTGDPT 2018.
“Trao đổi của các thầy cô giúp chúng tôi vững tâm hơn trong việc triển khai chương trình mới”, Bộ trưởng khẳng định.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (bên phải ảnh) lắng nghe các ý kiến đóng góp của giáo viên tại chương trình làm việc chiều 18/2 (Ảnh: T.T).

Bộ trưởng chia sẻ rằng, trong phạm vi không dài của chương trình, nhiều ý kiến đóng góp giá trị đã được đưa ra. Qua đó, Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ rằng toàn ngành giáo dục cần đi sâu hơn vào mảng công tác là tập huấn phụ huynh hay còn gọi là “phụ huynh vận”.
“Chúng ta có thuận lợi với nhóm phụ huynh trẻ có sự nhanh nhạy trong tiếp cận cái mới, trình độ công nghệ cao và cần nhiều công sức hơn với nhóm phụ huynh nhiều tuổi để những ấn tượng, tư duy cũ “mềm đi”.
Chúng ta cần phụ huynh cần đồng hành với chúng ta, phụ huynh phải đổi mới thì mới có thể đồng hành với quá trình đổi mới giáo dục.
Quá trình đổi mới là quá trình lâu dài, ko phải một sớm một chiều làm ngay được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nguồn: Dantri.com.vn

Hình ảnh hoạt động của Trường Cao đẳng Y Hà Nội

Đơn vị hợp tác

Top