Nhắc đến Thiếu tướng, GS, TS, Nhà giáo Ưu tú, Bác sĩ cao cấp Lê Trung Hải, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Quân y (BVQY) 103, Học viện Quân y (HVQY), nguyên Phó cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), nhiều người nghĩ ngay đến một đại gia đình thầy thuốc áo lính ưu tú, mẫu mực, có nhiều đóng góp quan trọng cho lĩnh vực y học quân sự và nền y học nước nhà.
Là nhà quản lý, thầy giáo, nhà nghiên cứu khoa học (NCKH)… suốt quá trình công tác, GS Lê Trung Hải luôn miệt mài học tập, nghiên cứu, cống hiến, nhất là trong lĩnh vực ghép tạng. Hiện nay, dù đã nghỉ hưu khá lâu, ông vẫn tích cực nghiên cứu, giảng dạy, được tín nhiệm giao trọng trách Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam và Chủ tịch Phân hội Phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam.
Một gia đình quân nhân mẫu mực
Do đặc thù công việc, tôi nhiều lần được gặp Thiếu tướng, GS Lê Trung Hải tại các hội nghị khoa học của ngành quân y, nhưng thật khó để tiếp cận, trò chuyện lâu, bởi ông hết sức bận rộn, cùng lúc “gánh” nhiều việc, từ nghiên cứu, điều trị, giảng dạy đến chỉ đạo nghiệp vụ… Mới đây, tôi gặp GS Lê Trung Hải tại hội thảo khoa học liên quan đến ghép gan do Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức. Ông có bài phát biểu rất giá trị, được các đại biểu dự hội thảo đánh giá cao.
Sau hội thảo, tôi được GS Lê Trung Hải dành thời gian trò chuyện và biết thêm nhiều thông tin về truyền thống gia đình 3 đời đều là thầy thuốc áo lính nổi tiếng. Thiếu tướng, GS Lê Trung Hải sinh năm 1957, tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống y học: Bố của GS Lê Trung Hải là Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, GS, TSKH, Thầy thuốc Nhân dân Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc HVQY; mẹ của GS Lê Trung Hải từng là Y sĩ trưởng của Khoa Bỏng, BVQY 103; vợ ông là Đại tá, PGS, TS, Thầy thuốc Ưu tú Phan Việt Nga, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Thần kinh, BVQY 103, nay đang giữ cương vị Chủ tịch Hội Chống động kinh Việt Nam. Điều đáng mừng là hai con trai của GS Lê Trung Hải đều đang là tiến sĩ ngành quân y, tiếp nối truyền thống gia đình.
GS Lê Trung Hải chia sẻ: “Được sớm làm quen với môi trường bệnh viện, nhiều lần chứng kiến nửa đêm bố vẫn đạp xe vào viện để mổ cấp cứu nên từ bé, tôi đã mơ ước được trở thành bác sĩ để trị bệnh, cứu người. Học xong cấp 3, tôi thi đỗ vào Trường Đại học Quân y (nay là HVQY)”.
Tốt nghiệp ra trường năm 1981, giống như nhiều đồng đội khác, bác sĩ Lê Trung Hải hăng hái lên biên giới, tham gia phục vụ chiến đấu tại Sư đoàn 337, trực tiếp phẫu thuật, cấp cứu thương binh, bệnh binh. Trong gian khổ, ác liệt, với sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề, bác sĩ trẻ Lê Trung Hải đã hoàn thành đề tài đầu tiên trong sự nghiệp NCKH của mình: “Cơ cấu tổn thương và công tác xử lý thương binh trong chiến đấu”.
Tâm huyết chữa bệnh gan mật tụy
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở biên giới, trở về Hà Nội, bác sĩ quân y Lê Trung Hải được tạo điều kiện tiếp tục học tập, nghiên cứu, tham gia điều trị rồi được phân công làm giảng viên Bộ môn Ngoại chung của HVQY. Rồi ông được chọn đi đào tạo chuyên khoa ngoại tại nước Đức (1988-1990), đào tạo sau tiến sĩ tại Trường Đại học Y khoa Chicago (Mỹ) năm 1999. Quá trình học tập, ông đã nỗ lực tự học ngoại ngữ, thông thạo tiếng Đức, tiếng Anh để có thể nghiên cứu sâu về nền y học tiên tiến của nước bạn.
Biết GS Lê Trung Hải là một trong những người có đóng góp đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam, tôi hỏi ông về “cơ duyên” đến với lĩnh vực này. GS Lê Trung Hải tâm sự: “Từ khi bước vào NCKH, tôi đã quan tâm đặc biệt đến ghép tạng, dù lúc đó lĩnh vực này còn đang rất mới mẻ ở nước ta. Trong thời gian công tác tại BVQY 103, tôi đã được cử đi học tập, nghiên cứu về ghép tạng tại Đại học Quốc gia Đài Loan (1993-1994) và năm 2002 được sang Nhật Bản học thêm về ghép gan. Có lẽ, điều may mắn và cũng là hạnh phúc lớn nhất của tôi trong sự nghiệp là được cùng cha tôi và các giáo sư, bác sĩ chuyên khoa hàng đầu của nước ta thực hiện những ca ghép tạng mang tính lịch sử”.
Ca ghép mà GS Lê Trung Hải nhớ nhất là ghép thận cho bệnh nhân Lê Thanh Nghiêm (sinh năm 1960, quê ở Phú Yên, bị suy thận giai đoạn cuối) vào ngày 20-7-1993. Là một trong những bệnh nhân đầu tiên được ghép thận tại Việt Nam, ông Nghiêm đến BVQY 103 với hy vọng “còn nước còn tát” và đã được GS Tôn Thất Bách, GS Lê Thế Trung, GS Lê Trung Hải cùng nhiều giáo sư, bác sĩ đầu ngành tiến hành mổ ghép thận. Ca đại phẫu thành công ngoài sức tưởng tượng và có kết quả tốt lâu dài sau ghép. Một ca ghép đặc biệt khác là GS Lê Trung Hải đã tham gia cùng bố và các đồng nghiệp ghép gan cho bệnh nhi đầu tiên ở Việt Nam (cháu Nguyễn Thị Diệp) vào đầu năm 2004. Sau 16 giờ làm việc căng thẳng, kíp phẫu thuật ra khỏi phòng mổ với nụ cười “chiến thắng”, trong niềm vui vỡ òa của bao người bên ngoài. Hơn 10 năm sau, cháu Nguyễn Thị Diệp trở thành sinh viên dược của HVQY và bố đẻ của Diệp là người cho gan vẫn có sức khỏe ổn định…
Qua tìm hiểu tôi được biết, khi là Phó giám đốc BVQY 103, GS Lê Trung Hải đã cùng với lãnh đạo, chỉ huy Bệnh viện và các đồng nghiệp đưa BVQY 103 trở thành đơn vị giữ kỷ lục Việt Nam về ghép tạng với 5 lần tiên phong về ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép phổi và ghép tụy-thận. Trong tất cả các ca ghép mang tính lịch sử này đều có dấu ấn của GS Lê Trung Hải. Không chỉ trực tiếp ghép tại BVQY 103, ông còn phối hợp thực hiện hàng trăm ca ghép thận, ghép gan, ghép tim tại nhiều cơ sở y tế. GS Lê Trung Hải cũng trực tiếp phẫu thuật, tham gia chỉ đạo và chuyển giao kỹ thuật ghép, phẫu thuật nội soi… cho nhiều bệnh viện lớn ở nước ta.
Khi được cử giữ chức Trưởng ban Ung thư Lực lượng vũ trang, GS Lê Trung Hải đã cùng các đồng nghiệp phát huy nguồn lực, thế mạnh về trang thiết bị, nhân lực, tập trung phát triển kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu, phối hợp với các cơ sở y tế, các hội chuyên ngành và nhà khoa học quốc tế hỗ trợ, giúp nhiều bệnh viện của Quân đội, Công an triển khai mới các khoa ung bướu. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết tuyến, chuẩn hóa quy trình chẩn đoán, điều trị đa mô thức và phòng, chống ung thư; xây dựng mạng lưới phòng, chống ung thư trong LLVT, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động…
Cháy mãi đam mê cống hiến
Năm 2017, Thiếu tướng, GS, TS Lê Trung Hải được nghỉ hưu sau 42 năm làm thầy thuốc mặc áo lính. “Mặc dù nghỉ hưu nhưng tôi còn bận rộn hơn khi đang công tác. Tôi muốn được tiếp tục cống hiến vì người bệnh, vì khoa học, vì học trò. Đến nay, lĩnh vực gan mật tụy vẫn là niềm đam mê lớn nhất của tôi”, GS Lê Trung Hải chia sẻ.
Quả vậy, vừa nghỉ hưu, GS Lê Trung Hải đã được mời làm Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Hà Nội. Tiếp đó, tháng 10-2018, ông được tín nhiệm bầu giữ cương vị Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, sau đó kiêm thêm chức Chủ tịch Phân hội Phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam. Trên cương vị mới, bằng kinh nghiệm, tâm huyết của mình, GS Lê Trung Hải đã nỗ lực cùng các chuyên gia, lãnh đạo Hội phát triển lên tầm cao mới; cùng với Bộ Y tế đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân chung tay đánh gục virus viêm gan”; xây dựng các hướng dẫn về phòng, chống, điều trị ung thư gan và mật tụy; tích cực tổ chức các hội thảo về phẫu thuật gan mật tụy toàn quốc, quốc tế. Đồng thời, GS Lê Trung Hải tham gia xây dựng được một tổ chức hội ngoại khoa vững mạnh, uy tín, cùng triển khai thực hiện các loại phẫu thuật phức tạp liên quan đến gan mật tụy, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền y học nước nhà. Gần đây, các hội, phân hội do GS Lê Trung Hải phụ trách đã xây dựng và ban hành nhiều khuyến cáo có giá trị tại Việt Nam về ghép gan, ung thư gan, viêm gan, sỏi đường mật và ung thư tụy…
GS Lê Trung Hải tâm niệm: “Bác sĩ giỏi sẽ cứu chữa được nhiều bệnh nhân, nhưng nếu vừa giỏi, vừa đào tạo được thêm nhiều thế hệ bác sĩ giỏi nữa thì sẽ càng cứu chữa được nhiều bệnh nhân hơn” nên dù rất bận rộn, ông vẫn nhận trọng trách Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội và Trường Cao đẳng Y Hà Nội, đem kiến thức, kinh nghiệm, nhiệt huyết của mình để “truyền lửa” cho các thế hệ học trò. Ông cũng sắp xếp thời gian để tham dự nhiều hội thảo, hội nghị khoa học về ghép tạng trong nước và quốc tế.
Tại các hội thảo, GS Lê Trung Hải đều có những bài phát biểu tâm huyết, mang tính phát hiện, được giới chuyên môn trân trọng, đánh giá cao. Năm 2022, tại Hội nghị thế giới về gan mật tụy tổ chức ở Hoa Kỳ, chuyên ngành gan mật tụy Việt Nam đã được quốc tế vinh danh.
Trong đó, GS KK Madhavan, Chủ tịch Hiệp hội Gan mật tụy châu Á-Thái Bình Dương đã đánh giá: “Hội Phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam tuy là thành viên trẻ nhất của chúng tôi, song lại là một trong những Hội quan trọng nhất của châu Á-Thái Bình Dương”. Năm 2023, GS Lê Trung Hải đã được mời làm chủ tọa đàm tại nhiều hội nghị quốc tế về ngoại khoa gan mật tụy và ghép tạng…
Nay đã bước sang tuổi 66, nhưng GS Lê Trung Hải vẫn rất phong độ, lịch làm việc của ông vẫn dày đặc, gần như không có ngày nghỉ. Ông chia sẻ chân tình: “Có lẽ, tôi ảnh hưởng sức làm việc của bố mẹ mình. Hơn nữa, sống trong một gia đình nhiều người theo ngành y nên “không khí” làm việc của các thành viên cũng cao hơn. Tôi chiêm nghiệm, người làm ngành y chịu nhiều vất vả nhưng cũng có niềm hạnh phúc đặc biệt, đó là mang lại sự sống, sức khỏe cho người bệnh. Vì vậy, khi nào còn khả năng, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đóng góp nhiều hơn nữa để chung tay khống chế, đẩy lùi bệnh lý gan mật tụy nguy hiểm ở Việt Nam, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, nâng cao vị thế nền y học nước nhà”…
BOX: Thiếu tướng, GS, TS Lê Trung Hải đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; chức danh chuyên môn Bác sĩ cao cấp; được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2005 với vai trò là đồng tác giả Cụm công trình ghép tạng… Ông có gần 20 đề tài NCKH; tham gia 7 đề tài NCKH cấp bộ và cấp Nhà nước; đã công bố hơn 100 bài báo khoa học và có nhiều báo cáo khoa học quốc tế. Đặc biệt, ông đã xây dựng hai quy trình ghép thận từ người cho sống và ghép gan từ người cho sống, được Bộ Y tế ban hành vào tháng 12-2006…
Theo Văn Chiến – QĐND