Reading.....
Home > Các đơn vị > Khoa Y > Điều dưỡng là tương lai sức khỏe của chúng ta

Điều dưỡng là tương lai sức khỏe của chúng ta

Năm 2020, trong báo cáo về tình trạng điều dưỡng toàn cầu của WHO đưa ra nhận định: “Điều dưỡng là một bộ phận sống còn (Vital part) của Hệ thống y tế”. Trong tất cả các hệ thống y tế toàn cầu, điều dưỡng luôn là lực lượng cán bộ y tế đông nhất (59%). Theo Niên giám Thống kê Y tế 2020, Bộ Y tế công bố tỷ lệ điều dưỡng chiếm (39%) nhân lực toàn ngành Y tế.

Nếu tính cán bộ y tế trực tiếp với người bệnh, điều dưỡng chiếm gần 60%, điều dưỡng có mặt ở khắp nơi của hệ thống y tế. Dịch vụ do điều dưỡng và hộ sinh cung cấp nhiều nhất, thường xuyên nhất, liên tục nhất. Nghiên cứu WHO công bố 88% thời gian người bệnh của khoa chăm sóc tích cực (ICU) được tiếp xúc với nhân viên y tê là điều dưỡng. Chỉ có 12% thời gian người bệnh ICU được tiếp xúc với bác sĩ và các nghề khác. Trong báo cáo của WHO đã khẳng định: Dịch vụ do điều dưỡng hộ sinh cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế.

Ai cũng sớm hay muộn có một lần hoặc nhiều lần sức khỏe và tính mạng của mình đặt trong sự chăm sóc của điều dưỡng. Hãy tưởng tượng, nếu bạn là người bệnh đang nằm viện ở khoa chăm sóc tích cực, ai sẽ là người chăm sóc, người trăn trở, người đảm bảo dinh dưỡng, người trấn an tinh thần cho bạn.

Thông thường điều dưỡng là người tiếp nhận người bệnh đầu tiên, đôi khi điều dưỡng là người duy nhất cấp cứu người bệnh ở bệnh viện và ở các trạm y tế. Năng lực chuyên môn của điều dưỡng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Từ góc độ hệ thống y tế, trước sự khủng hoảng thiếu điều dưỡng toàn cầu, nhân lực điều dưỡng trở nên khan hiếm trong dài hạn ở tất cả các quốc gia. Nước ta là một trong các quốc gia có tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân thuộc nhóm thấp nhất, mới bằng 1/8 các quốc gia phát triển so với mục tiêu phấn đấu đạt 25 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2025 đến nay mới đạt 60%. Thiếu điều dưỡng, người bệnh thiệt thòi. Vì vậy điều dưỡng là tương lai của chúng ta.

Nhìn lại từ cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19, có bốn vấn đề từ góc độ điều dưỡng: (1) nhân lực điều dưỡng không đủ; (2) thiếu điều dưỡng chuyên khoa; (3) người bệnh nặng và tử vong chưa được thừa hưởng chăm sóc đầy đủ; (4) điều dưỡng là lực lượng tuyến đầu dễ bị tổn thương phải là bài học để ngành y tế đưa ra chiến lược trong thời gian tới.

Hiệu quả kinh tế của chăm sóc

Thách thức lớn của các hệ thống y tế là sự gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, không chỉ do nguyên nhân gánh nặng bệnh tật làm gia tăng nhu cầu chăm sóc y tế mà còn nhiều yếu tố khác như: tăng sử dụng vật tư y tế đắt tiền, tăng áp dụng kỹ thuật cao, tăng chi phí đơn thuốc và tăng chi phí ngoài y tế.

Mỹ là quốc gia chi phí y tế cao nhất thế giới nhưng tuổi thọ, tỷ lệ tử vong trẻ em và bệnh mạn tính không phải đứng hàng đầu thế giới. Vì vậy, WHO khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách y tế cần định hướng lại lĩnh vực đầu tư để tái cấu trúc hệ thống y tế, đảm bảo hiệu quả chi phí trong chăm sóc sức khỏe.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe do điều dưỡng, hộ sinh cung cấp trực tiếp liên quan tới chất lượng khám chữa bệnh và an toàn người bệnh, là xương sống của hệ thống dịch vụ y tế nhưng đầu tư cho lĩnh vực điều dưỡng, hộ sinh chưa tương xứng đang phổ biến ở khắp mọi nơi và ở mọi cấp của hệ thống y tế, ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc người bệnh, thiếu điều dưỡng người bệnh là người đầu tiên bị thiệt thòi.

Vì vậy, WHO khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách y tế cần tăng cường đầu tư cho điều dưỡng, hộ sinh trong cả ba lĩnh vực là: giáo dục, việc làm và trao quyền cho điều dưỡng tham gia vào hoạch định chính sách y tế. Không nghi ngờ gì, đầu tư cho điều dưỡng là đầu tư cho sức khỏe, đầu tư cho người bệnh, đầu tư cho tương lai của chúng ta.

Thông điệp của Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế năm 2024, không chỉ nhằm tôn vinh mà còn định hình cho những bước đi tiếp theo của hệ thống y tế nói chung và điều dưỡng nói riêng. Thông điệp, giúp người điều dưỡng hiểu thêm sứ mạng nghề nghiệp, giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò của điều dưỡng và đặc biệt cung cấp thông tin để Bộ Y tế và các nhà hoạch định chính sách y tế đưa ra những chính sách thiết thực tạo đòn bẩy cho ngành điều dưỡng Việt Nam phát triển và hội nhập.

Theo: Ths. Phạm Đức Mục
Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam

Hình ảnh hoạt động của Trường Cao đẳng Y Hà Nội

Đơn vị hợp tác

Top