Reading.....
Home > Tin tức - Sự kiện > Sự kiện nổi bật > Ngày 12 tháng 5 ngày Quốc tế Điều dưỡng

Ngày 12 tháng 5 ngày Quốc tế Điều dưỡng

Ngày 12 tháng 5 là ngày Quốc tế Điều dưỡng, là ngày sinh của Florence Nightingale, người sáng lập ra ngành điều dưỡng (y tá) hiện đại

Florence Nightingale (12 tháng 5 năm 1820 – 13 tháng 8 năm 1910), còn được tưởng nhớ là Người phụ nữ với cây đèn, là người sáng lập ra ngành y tá hiện đại và là một nhà thống kê y tế.

Những giai đoạn ban đầu

Florence Nightingale sinh tại Florence (Ý). Gia đình bà giàu có và có liên hệ cao cấp trong chính phủ Anh quốc. Do đó mà bà bị cấm không cho đi làm những nghề nghèo hèn như nghề y tá lúc bấy giờ.

Nhưng khi bà nghe được tiếng gọi thiêng liêng năm 1837 tại khu vườn Embley, bà quyết định cãi lời cha mẹ, đi làm y tá và dồn hết nhiệt huyết của mình vào ngành nghề y tế giúp người này từ năm 1845. Hành động này một phần là vì bà có cảm xúc khi thấy người khác bị bệnh tật đau đớn, một phần khác là vì bà muốn chống lại xu hướng hạ thấp giới phụ nữ thời bấy giờ – đòi hỏi phụ nữ phải phục tòng gia đình, làm nội trợ, sinh sản và không có quyền theo đuổi chuyên ngành chuyên nghiệp mình muốn.

Bà rất quan tâm về tình trạng thê thảm của các trung tâm y tế cho người nghèo và thổ dân. Tháng 12 năm 1844, khi một người ăn xin bị chết trong trạm xá ở Luân Đôn và tạo chấn động công luận, Nightingale lãnh đạo phong trào đòi cải tiến các trạm xá này. Bà được ông Charles Villiers hỗ trợ việc cải tổ luật về y tế cho người nghèo và sau đó bà tiếp tục tham gia cải tiến các phương án giúp người nghèo – trong và ngoài lãnh vực y tế.

Năm 1846 bà tham quan nhà thương tại KaiserswerthĐức và rất khâm phục khả năng phục vụ y tế của vùng này. Cùng lúc này, chính trị gia và nhà thơ Richard Monckton Milnes có ý muốn kết hôn nhưng Nightingale khước từ với lý do là lấy chồng sẽ làm bà xao lãng công tác y tế bà muốn thực hiện.

Năm 1847, trong lúc bà đang bị khủng hoảng tinh thần vì liên hệ với Milnes, Nightingale gặp Sidney Herbert, nhà chính trị lỗi lạc từng làm Thư ký Chiến tranh của Anh Quốc. Herbert khi đó đã có gia đình nhưng hai người rất tương đắc và trở thành bạn thân. Herbert giúp Nightingale khai thác và phát huy ngành y tá (trong thời chiến tranh vùng Krym), và ngược lại, bà là cố vấn chính yếu của ông ta trong những đường bước chính trị. Năm 1851, Nightingale không nghe lời cha mẹ, từ khước lời cầu hôn của Milnes.

Nightingale cũng có đi lại thân mật với ông Benjamin Jowett, đặc biệt là trong thời gian bà tính để di chúc dành tài sản cho khoa thống kê của Đại học Oxford.

Năm 1851 bà bắt đầu theo đuổi nghề y tá chính thức, và học được rất nhiều kinh nghiệm trong 4 tháng huấn luyện tại Kaiserswerth. Gia đình bà hết sức ngăn cản nhưng không thể thay đổi ý định của bà. Ngày 22 tháng 8 năm 1853, Nightingale lên chức y viện trưởng Trung tâm chăm sóc bệnh nhân phụ nữ tại Luân Đôn, và giữ chức này đến tháng 10 năm 1854. Cha bà mỗi năm gửi cho bà khoảng £500 để giúp bà theo đuổi nghề từ thiện này.

Chiến tranh Krym

Florence Nightingale nổi tiếng khi bà theo làm ý tá chăm sóc cho thương binh quân đội Anh trong chiến tranh vùng Krym. Ngày 21 tháng 10 năm 1854 bà và 38 người y tá tình nguyện được Sidney Herbert gửi sang Thổ Nhĩ Kỳ nơi quân Anh đồn trú.

Nightingale đến nhà thương quân y Scutari tại Istanbul và chứng kiến một cảnh kinh hoàng: thương binh bị bỏ bê không ai chăm sóc vì các y sĩ quá mệt mỏi, thuốc men hiếm, dụng cụ dơ bẩn, và nhiễm trùng tràn lan gây thương vong rất nhiều. Ngoài ra không có hệ thống nấu và phát thức ăn cho bệnh nhân.

Nightingale cùng các chị em y tá thay nhau chùi rửa nhà thương, dụng cụ y tế và sắp đặt lại hệ thống chăm sóc bệnh nhân. Tuy thế, số tử vong vẫn tăng lên. Nhà thương này quá chật, chứa quá nhiều bệnh nhân và hệ thống ống cống và thoáng khí bị nghẽn làm ô uế không khí. Trong thời gian Nightingale làm việc tại nhà thương Scutari, 4077 thương binh bị chết. Binh lính chết vì bệnh tật (kiết lỵ và thương hàn) gấp 10 lần vì chiến thương. Đến tháng 3 năm 1855, sáu tháng sau khi Nightingale vào làm việc tại nhà thương này, chính phủ Anh mới gửi nhân viên tẩy trùng sang làm thông hệ thống ống cống và thoáng khí. Số tử vong giảm xuống ngay sau đó.

Nightingale tuy thế vẫn tin rằng bệnh nhân tử vong là do ăn uống thiếu dinh dưỡng và binh lính làm việc quá sức. Mãi cho đền khi bà về lại Anh và nghiên cứu các bằng chứng cụ thể do Ủy ban Sức khỏe Quân đội Hoàng gia đưa ra và nhận thức được tử vong phần lớn là do điều kiện ăn ở thiếu vệ sinh. Qua kinh nghiệm này bà sau đó luôn coi vấn đề vệ sinh là quan trọng hàng đầu trong môi trường sinh sống. Tử vong của bệnh nhân trong nhà thương vào thời bình nhờ đó cũng giảm nhiều.

Người phụ nữ với cây đèn

Hình vẽ trên báo London News (1855)

Báo Times lúc bầy giờ viết phóng sự về diễn tiến cuộc chiến tại Krym. Trong một bài, ký giả báo này kể về Florence Nightingale và tặng bà danh hiệu “The Lady with the Lamp” (Người phụ nữ với cây đèn):

Nói không ngoa, Cô là một tiên nữ cho thuốc, vóc dáng mảnh mai của cô thầm lặng lướt qua những hành lang của bệnh viện, những khuôn mặt bệnh nhân đang đau khổ lộ vẻ biết ơn mỗi khi thấy bóng cô. Khi các bác sĩ đã về nghỉ, khi bóng đêm và sự tĩnh mịch phủ lên các hành lang đầy những bệnh nhân co quắp, cô xuất hiện với cây đèn leo lét trên tay, lặng lẽ đi tuần các trại bệnh một mình.

Henry Longfellow viết bài thơ “Santa Filomena” về bà năm 1857:

Kìa! trong giờ phút đớn đau

Tôi thấy Cô đến với cây đèn
Lướt qua những bóng mờ bi đát,

Thấp thoáng từ phòng này sang phòng khác.

Trở về Anh quốc

Florence Nightingale về Anh ngày 7 tháng 8 năm 1857 và được đón chào như anh hùng quốc gia, theo đài BBC thì bà là ngươì nổi tiếng thứ nhì trong xứ, chỉ sau Hoàng hậu Victoria. Nightingale dọn lên khách sạn Burlington thuộc khu phố Piccadilly ở London. Bà bị mắc phải chứng sốt Krym từ khi sang làm việc ở đó. Bà tự giam mình trong phòng riêng, cấm cả mẹ và em không được vào thăm.

Theo lời mời của Hoàng hậu Victoria, Nightingale tuy bị bệnh nhưng vẫn sốt sắng tham gia vào cuộc điều tra của Uỷ ban Sức khoẻ Quân đội Hoàng gia do Sidney Herbert dẫn đầu. Vì là phụ nữ, bà không được chính thức làm giám sát uỷ ban, nhưng bà viết bản báo cáo hơn 1000 trang gồm đầy đủ thống kê danh sách liệt kê các khía cạnh của y tế quân đội, và bà đi đầu trong cuộc thiết kế những phương pháp cải tiến y tế. Qua đó, Uỷ ban này ra quyết nghị tu chỉnh hoàn toàn hệ thống quân y, thiết lập Trường Quân Y và cải tổ hệ thống lưu trữ bệnh sử.

Những thành công sau

Khi còn ở Thổ, ngày 29 tháng 11 1855, sau một buổi họp khen ngợi Florence Nightingale về công trạng của bà, một số người cùng bà tổ chức quyên góp tiền gây quỹ đào tạo y tá, gọi là Quỹ Nightingale. Rất nhiều người góp tiền ủng hộ. Sidney Herbert làm bí thư danh dự và Công tước Cambridge làm chủ tịch.

Nightingale là người đầu tiên đưa ra khái niệm du lịch y khoa. Bà mô tả rõ ràng những dịch vụ của các trung tâm nghỉ ngơi và chữa bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ trước khi gửi bệnh nhân về đó, thay vì gửi họ đi Thụy Sĩ là nơi rất đắt tiền.

Đến năm 1859 Nightingale đem £45000 từ Quỹ Nightingale lập Trường Đào tạo Y tá Nightingale tại Nhà thương St. Thomas. Trường khai trương ngày 9 tháng 7 năm 1860 (ngày nay gọi là Trường Y tá và Hộ sản Florence Nightingale thuộc trường cao đẳng Kings ở London). Ngoài ra Nightingale cũng kêu gọi quyên góp thiết lập nhà thương Hoàng gia ở Buckinghamshire thuộc Aylesbury gần quê cũ của bà.

Năm 1860 bà xuất bản sách 136 trang tựa đề Những bài ghi chép về Y tá, sách này được dùng làm căn bản cho chương trình đào tạo y tá tại trường Y tá Nightingale và các trường y tá khác. Sách cũng bán chạy trong thị trường sách phổ thông và coi như một sách hay giới thiệu về ngành y tá. Nightingale luôn tìm cách phát huy và củng cố ngành y tá trong suốt quãng đời còn lại của mình. Nhờ bà mà ngành y tá mới phát triển và trưởng thành như ngày nay.

Trong thời Nội chiến Hoa Kỳ, chính phủ phe miền Bắc Hoa Kỳ đến viếng và nhờ Nightingale chỉ dẫn phương thức sắp xếp hệ thống y tế cho thương binh tại chiến trường. Ý kiến của bà không được chấp thuận, nhưng sau đó đưa đến sự thành lập Ủy ban Vệ sinh Hoa Kỳ.

Năm 1869 Nightingale và bác sĩ Elizabeth Blackwell mở trường Y khoa cho Phụ nữ.

Năm 1870, Nightingale huấn luyện Linda Richards, Y tá Hoa Kỳ đầu tiên và giúp bà này thiết lập các trường đào tạo y tá tại Hoa Kỳ. Linda Richards sau này là một trong những y tá tiên phong tại Mỹ và Nhật Bản.

Mộ Florence Nightingale. Nhà thờ St Margaret, East Wellow

Năm 1882, những y tá tốt nghiệp từ trường Nightingale bắt đầu có chức vụ chuyên nghiệp trong các cơ sở y tế Anh quốc. Nhiều người trở thành Y tá trưởng của các nhà thương chính tại Anh và sang cả tại Úc (nhà thương Sydney New South Wales).

Nightingale được trao tặng huy chương Thập tự Đỏ năm 1883, bằng khen Order of Merit năm 1907.

Tuy bà bị bệnh mệt mỏi kinh niên phải nằm liệt giường từ năm 1896 bà vẫn tiếp tục nghiên cứu và là người tiên phong trong ngành thiết kế nhà thương và nhiều ý kiến của bà được trọng dụng tại Anh và cả trên thế giới.

Qua đời

Florence Nightingale mất ngày 13 tháng 8 năm 1910, thọ 90 tuổi, tại phòng số 10 South Street, Park Lane. Chính phủ Anh cho phép chôn bà tại nghĩa trang Westminster Abbey nhưng gia đình bà từ chối và đưa về chôn tại nghĩa trang nhà thờ St. Margaret tại Wellow, Hampshire.

 

Nguồn: Wikipedia tiếng Việt https://vi.wikipedia.org/wiki/Florence_Nightingale

Hình ảnh hoạt động của Trường Cao đẳng Y Hà Nội

Đơn vị hợp tác

Top